Loãng xương

loãng xương
loãng xương
Xương bình thường và loãng xương
(Dân trí) – Ảnh hưởng sức khỏe, khả năng thương tật vĩnh viễn và tử vong cao, cùng với các khoản chi phí điều trị tăng nhanh… là những nguy hại của bệnh loãng xương được đề cập tại ngày hội vì sức khỏe xương nhân ngày Thế giới phòng chống loãng xương 20/10 diễn ra tại TPHCM.
Loãng xương là căn bệnh làm xương bị yếu, giòn và dễ gãy dù chỉ bị ngã hoặc va quệt nhẹ do xương bị mất dưỡng chất, nhất là canxi.
Kết quả khảo sát từ nhóm nghiên cứu của ThS-BS Hồ Phạm Thục Lan (Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, BV Nhân dân 115) Việt Nam hiện có tới 30% phụ nữ và 10% nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương,nâng tổng số ca mắc bệnh loãng xương trên cả nước lên 2,9 triệu người. Các chuyên gia dự đoán, con số này sẽ tăng lên 4,5 triệu người vào năm 2020 và 11 triệu người vào năm 2050.
Loãng xương được xem là “sát thủ” thầm lặng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là với phái nữ
PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM gọi căn bệnh loãng “sát thủ thầm lặng” đối với sức khỏe con người. Biến chứng gãy xương do loãng xương nguy hiểm không kém nhồi máu cơ tim và đột quỵ với tỷ lệ tử vong 20% và đến 50% bị thương tật vĩnh viễn.
“Trái với vẻ bề ngoài thô cứng và không có sự sống như mọi người vẫn nhầm tưởng, xương thực chất là một mô sống. Tế bào xương bị hủy đi và tái tạo không ngừng thông qua quá trình chu chuyển xương. Tốc độ hủy xương diễn ra nhanh hơn tốc độ tạo xương, hay nói cách khác, xương bắt đầu suy yếu khi chúng ta bước vào độ tuổi 30-35. Một khi xương mất đi thì không cách nào có thể lấy lại được và dẫn đến loãng xương.”, BS Lê Anh Thư cho hay.
Bà Thư nhấn mạnh, tại châu Á, trong đó có Việt Nam, chi phí điều trị loãng xương tăng nhanh đến chóng mặt. Hiện ở mức tương đương với chi phí điều trị hai căn bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ là ung thư vú và cổ tử cung cộng lại, và ước tính tới năm 2050, thế giới có thể phải tốn tới 131,5 tỉ USD để chữa trị những ca chấn thương liên quan đến loãng xương.
Thế nhưng điều đáng quan ngại hơn cả là đa số người dân vẫn chưa ý thức rõ về căn bệnh này và những hệ lụy nghiêm trọng của nó nên chưa có biện pháp phòng tránh phù hợp.
Thông điệp chính của Ngày thế giới phòng chống loãng xương năm nay là khuyến khích mọi người hãy yêu quí và chăm sóc sức khỏe xương của mình thông qua việc tập luyện thể dục thường xuyên và duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng bao gồm đầy đủ canxi, vitamin D và Protein(chất đạm)…
Canxi có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), cá sông, cá biển, tôm, tép, cua, ốc, trai, nghêu, sò, đậu hũ. Khi ăn cá, tốt nhất nên ăn cá kho nhừ ăn cả xương. Vitamin D có nhiều trong bơ, sữa, trứng, gan gà, dầu cá thu… Tắm nắng cũng giúp cơ thể tổng hợp thêm loại vitamin này.
Các chuyên gia cũng khẳng định, dinh dưỡng không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn độ khỏe của xương. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chúng ta cần có một lối sống lành mạnh, không hút thuốc, tránh sử dụng chất có cồn quá nhiều vì chúng làm cho xương mất canxi và khoáng chất dẫn đến bị yếu và dễ gãy. Đồng thời phải tăng cường vận động và tập thể dục thường xuyên (đi, chạy bộ, tập yoga…).
Trong ngày này, 300 phụ nữ từ độ tuổi 30 tại TPHCM được đo xương miễn phí. Sau đó họ tham gia đạp xe diễu hành qua các tuyến phố để tuyên truyền thông tin về sức khỏe xương đến người dân trong thành phố.

Hoài Nam

Trả lời

Zalo
Zalo
Tư Vấn Ngay: 0915 939 767